Bàn về câu chuyện về giá sách giáo khoa tăng
Ngọc Lan
Câu chuyện về vấn đề giáo dục ở Việt Nam vẫn luôn là chủ đề nóng bỏng được dư luận xã hội quan tâm, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ. Sau vấn đề về môn học lịch sử, gần đây mạng xã hội rầm rộ chia sẻ quan điểm của phụ huynh kêu cứu vì sách giáo khoa tăng giá gấp 2-3 lần.
Lý giải về thắc mắc này, trong cuộc thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải thích: Khi so sánh giá SGK nên có sự tương đồng, tức giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Đơn cử, sách cho lớp 1, 2, 3, 7, 10, là biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội.
Ông cũng cho biết thêm: các loại sách này được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính, nhất là với bộ sách lớp 3, 7, 10 của NXB Giáo dục Việt Nam, do có chỉ đạo ráo riết nên năm nay giảm 10-15% so với năm trước, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Những giải thích của ông Bộ trưởng đều có cơ sở nhưng thực sự chưa thuyết phục được dư luận. Bởi lẽ, cách đây hai thập niên về trước, việc anh chị em, hàng xóm sử dụng lại những bộ sách giáo khoa của nhau là điều hết sức bình thường. Cứ lớp anh chị là được dặn dò phải sử dụng sách thật cẩn thận để còn cho các em học lại. Những trang giấy in mỏng trong từng bộ sách giáo khoa ấy là hành trang của biết bao nhiêu thệ hệ học sinh. Không ít những thế hệ trưởng thành từ những trang giấy ấy. Và cũng nhờ vậy, mà trong thời buổi cái đói vẫn còn ở cửa miệng thì việc bớt đi một phần chi phí từ sách giáo khoa, giúp những bậc cha mẹ bớt nhọc nhằn hơn trong hành trình đưa con mình đi học.
Nhận xét
Đăng nhận xét