Thấy gì từ chuyến đi châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Chiều tối 5-11 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 6-11 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, đồng thời cũng kết thúc chuyến đi châu Âu tham dự Hội nghị COP26 và thăm, làm việc tại Vương quốc Anh.
Hành trình 6 ngày làm việc liên tục tại Anh, Pháp của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã mở ra cho Việt Nam thêm nhiều cơ hội trong thế giới thời kỳ "bình thường mới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26 |
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam nỗ lực giảm lượng phát thải khí carbon về "0" vào năm 2050. Ông cho biết Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đề nghị phải có công bằng, công lý, đạo đức trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ Trái đất, dành hành tinh xanh cho con cháu mai sau.
Ngoài các chương trình nghị sự chính thức như dự và phát biểu tại các hội nghị do Thủ tướng Anh, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có hơn 20 cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế ngay bên hành lang hội nghị.
Cùng với đó, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Viettel, Vietjet, T&T, VNPT, Bamboo Airways… đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá tỉ USD, sẵn sàng thúc đẩy đầu tư, kinh doanh thời kỳ "bình thường mới".
Tại Anh, Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng giữa VNVC và AstraZeneca để cung cấp thêm 25 triệu liều vắc xin cho Việt Nam và hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-19 ở Việt Nam. Cũng tại Anh, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Standard Chartered đã trao thỏa thuận hợp tác với các đối tác Việt Nam, tổng số tiền lên đến 8 tỉ USD, chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu; dự Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Việt; cùng lãnh đạo Pháp chứng kiến lễ ký kết, trao nhận gần 40 thỏa thuận hợp tác và thỏa thuận kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều thỏa thuận, dự án có ý nghĩa và giá trị lớn như: Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026; Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Cộng hòa Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo; Biên bản ghi nhớ giữa Hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn Safran về thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở doanh số trị giá 10 tỷ USD; Biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá 2 tỷ Euro giữa Hãng hàng không Bamboo Airways và Tập đoàn Safran,...
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp |
Những kết quả rất quan trọng của chuyến công du này đã cho thấy nhiều điều.
Thứ nhất, Việt Nam luôn cởi mở, thân thiện, tin cậy.
Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Đây là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, là vấn đề của toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, bởi mọi quốc gia và mọi người dân trên thế giới đều phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu".
Các hình ảnh trò chuyện thân mật giữa Thủ tướng với lãnh đạo các quốc gia, thậm chí là một phút chào hỏi vui vẻ với tỉ phú Bill Gates bên lề, đã cho thấy hình ảnh một Việt Nam cởi mở, thân thiện, tin cậy với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam luôn nêu cao trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.
Nói về nỗ lực giảm lượng phát thải khí carbon của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Không phải là chúng ta còn khó khăn mà không đưa ra cam kết mạnh mẽ, bởi đây là trách nhiệm chung với nhân loại. Việt Nam phải cố gắng thực hiện để được tôn trọng của cộng đồng quốc tế".
Thứ ba, nhân quyền ở Việt Nam là nhân quyền chính nghĩa, nhân văn. Đó là khẳng định của Thủ tướng tại Hội nghị COP26. Thủ tướng khẳng định, nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau. Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về vấn đề nhân quyền.
Thứ tư, chuyến đi đã mang lại nhiều giá trị về kinh tế đối với Việt Nam.
Rất nhiều hợp đồng về kinh tế đã được ký kết trong chuyến đi này, trong đó có những hợp đồng kinh tế lớn, với các tập đoàn lớn. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới.
Nhận xét
Đăng nhận xét