Hòn đá và nhân tài
Vì chỉ khi “cháy nhà mới lòi ra mặt chuột”. Ở đây, nhìn những hạng người ấy, tôi muốn nói về những chuyện “nhìn gà hóa cuốc”, “cục đất cất lên ông Bụt”, “có tiền cú cũng hóa tiên”… của việc chọn người và dùng người.
Vì những chuyện ấy bỗng làm tôi nhớ lại hồi mới bảy, tám tuổi, từng vinh hạnh được các cụ trong làng kể cho nghe câu chuyện cũ.
Chuyện rằng:
Một hôm, người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và căn dặn: – Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.
– Tại sao lại phải làm vậy, thưa thầy? – Người học trò thắc mắc.
Người thầy mỉm cười và đáp: – Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo.
Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đồng. Người học trò nhớ lời thầy dặn: Dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Anh mang hòn đá về và than thở: – Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có người hỏi mua với giá 1 đồng, thầy ạ!
Người thầy mỉm cười và nói: – Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm. Nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có trả giá bao nhiêu thì cũng quyết không được bán.
Hôm sau, người học trò lại mang hòn đá ấy ra chỗ bán vàng. Và thật bất ngờ, chủ tiệm đã trả giá hòn đá là 500 đồng. Nhớ lời thầy dặn, anh vẫn không bán và mang hòn đá về. Anh háo hức hỏi tại sao lại như vậy. Sư phụ cười và nói: – Ngày mai, con hãy đem nó đến chỗ mua bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ nghe họ trả giá mà thôi!
Hôm sau, người học trò lại làm theo lời thầy dặn. Và, anh vô cùng ngạc nhiên, vì sau một hồi xem xét, chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội vã quay về kể lại với thầy.
Lúc này, người thầy mới chậm rãi nói: Hòn đá chính là một món đồ cổ quý giá, đáng cả một gia tài đó. Nhưng, không phải ai cũng có thể nhìn ra giá trị của nó!
Từ chuyện hòn đá – hòn ngọc, ngẫm ra, trong thiên hạ, người tài thì vốn như là ngọc vậy. Nhưng, chỉ có người tài mới nhìn thấy người tài mà thôi! Thử hỏi, trong bộ máy làm công tác cán bộ của ta, có bao nhiêu người có tài lại có tâm, để tìm ra trong thiên hạ những nhân tài? “Anh hùng đoán giữa trần ai mới tài”! Không tinh tường, tất lãng phí! Mà lãng phí, nhất là con người, thì tội còn nặng hơn cả tham nhũng.
Thì ra, đã là ngọc thì quyết không đem ngọc bán rao! Nhân tài thường khuất thân nơi núi cao hay chốn thôn dã. Chả thế mà Cụ Hồ đã phải hai lần xuống “chiếu” thành tâm khẩn thiết: “Tìm người tài đức”, rồi lại “Nhân tài và kiến quốc”! Cụ cốt chỉ mong khắp từ hang cùng tới ngõ hẻm, đâu đâu cũng tiến cử được nhân tài cho quốc gia. Không thành tâm, tất bỏ sót!
Thì ra, cần thi tuyển công khai, minh bạch mà chọn lấy nhân tài; rồi theo việc mà đào tạo, mà dùng khắp quốc gia! Xưa, có Quốc Tử Giám hay Trường hậu bổ! Theo đó, mà chọn lấy người. Quyết không “tiền bổ hậu học”, chặn hết lối “lậy lục tốt lễ cửa sau”. Không kỷ cương, tất rối loạn!
Thì ra, cần mở thi tuyển quang minh chính đại; qua đó, chọn lấy nhân tài. Còn gì công bằng hơn? Nó chặn mọi “cửa sau” khuất tất, chặt cụt những lối “chọn người nhà” tăm tối, khép kín “mọi đường chạy” ám muội… Thênh thênh đường lớn cho nhân tài. Không dân chủ, tất tăm tối và bại vong!
Thì ra, định kỳ và bất thường “khảo quan”, “khảo thí” trong việc thu nạp, thanh thải, chỉnh đốn nhân tài. Ai “sinh đồ ba quan”, ai “Câu đương chặt ngón chân”….? Cứ thế mà minh định. Mọi việc cứ thuận theo như nước chảy, như gió bay mà chọn lựa, trọng dụng nhân tài. Không như thế, ắt cùng đường!
Thì ra, phải đặt ra, quyết giữ và chiểu theo trách nhiệm mà hành xử công minh trong việc tìm người, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Quyền lợi và trách nhiệm phải song hành! Không công minh thưởng phạt, tất loạn!
Thì ra, nhân tài là công bộc. Để tìm công bộc thì cần dứt khoát, phải hỏi xin ý kiến nhân dân! Vì nhân dân tìm ra, tiến cử, bầu chọn và Đảng tiến hành bổ nhiệm cho phù hợp! Nếu được như thế thì dẫu “ngọc giấu trong đá”, “nhân tài ẩn dật”…, nhân dân vẫn tìm ra, xác tín và xác cử xứng đáng… Không cầu thị, tất thiển cận, mù lòa!
Thì lúc ấy, thử hỏi khắp trong thiên hạ, sao nhân tài không muôn đường mà nở rộ! Và, đất nước có vinh nào vinh hơn!?
Nguồn: Nhị Lê
Nhận xét
Đăng nhận xét