Hà Nội: Chính quyền vì dân là chính quyền luôn biết lắng nghe ý kiến của nhân dân

 

Việc kiểm tra nhiều loại giấy tờ của người ra đường vào sáng 9/8
khiến ùn tắc ở nhiều khu vực

Từ xưa cho đến hiện nay, vấn đề xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân, vì dân đã được nói tới rất nhiều. Đã có rất nhiều bài viết, bài phát biểu, thậm chí được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, nhưng suy cho cùng, chính quyền của dân thực chất là một chính quyền luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Một chính quyền biết lo cho dân, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, không xa dân, gần dân, hiểu dân và đặc biệt phải luôn biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đó cũng là vấn đề mà tôi đang muốn nói tới nhìn từ vấn đề điều chỉnh các quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua của chính quyền thành phố Hà Nội.

Để hạn chế người dân ra đường không có lý do chính đáng, hạn chế những trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7-8-2021, UBND TP Hà Nội đã có thông báo chỉ đạo về việc cấp và sử dụng giấy đi đường. Theo đó, từ ngày 9-8, người dân khi ra đường ngoài việc mang theo giấy đi đường theo mẫu đã được ban hành ngày 29-7, cần xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, trong ngày 10-8, sau một ngày triển khai quy định trên của UBND TP Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều vấn đề phát sinh, nhất là có nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho người dân, cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các điểm chốt.

Đó là những vấn đề như: Thông báo ban hành chỉ trước một ngày đã triển khai khiến cho người dân và các cơ quan, đơn vị “trở tay không kịp”; tình trạng người dân xếp hàng dài tại trụ sở UBND các xã, phường để xin xác nhận; tình trạng ùn ứ người, phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch bệnh làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu dẫn đến cách triển khai khác nhau…

Trước tình hình đó, bên cạnh một số ý kiến thái quá lên tiếng chỉ trích chính quyền đã có rất nhiều ý kiến góp ý của người dân, cơ quan, đơn vị để nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại việc ban hành quy định này cho phù hợp hơn nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình di chuyển vừa đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vừa không làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước một số ý kiến, nhất là những ý kiến chỉ trích, cho rằng UBND TP Hà Nội nhiêu khê, cố tình gây khó khăn cho người dân, ban hành quy định như vậy là để nhằm mục đích xử phạt người đi đường để bổ sung ngân sách.

Người dân xếp hàng chờ xin dấu xác nhận giấy đi đường

Về vấn đề này, chiều ngày 9-8, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát nhằm giảm lượng người ra đường nhằm bảo đảm giãn cách xã hội thực chất. Đây là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng nhân dân. 

Đặc biệt, ông Quyền nhấn mạnh, việc kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà đây là căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Nói như vậy, có nghĩa là, mục đích cao nhất của việc làm này là để hạn chế người dân ra đường không có lý do chính đáng để thực hiện mục tiêu cao nhất là sớm đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân.

Trước những góp ý của người dân, các cơ quan, đơn vị, trên cơ sở cân nhắc, tính toán những điểm hợp lý, chưa hợp lý, sáng 10/8, UBND TP Hà Nội ban hành thông báo về việc triển khai các chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 2562 ngày 7/8.  Theo đó, UBND Hà Nội nhận định sau khi ban hành, một số nội dung tại văn bản chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Vì vậy, UBND TP cho phép người dân khi đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434 của UBND TP ngày 29/7). Như vậy, quy định yêu cầu người dân khi ra đường phải xuất trình lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đã được bãi bỏ.

Quyết định trên của UBND TP Hà Nội nhanh chóng nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân và dư luận. Phần lớn người dân đều ủng hộ quyết định trên và cho rằng, chính quyền TP Hà Nội đã biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý từ nhân dân, đặt nhân dân lên trên hết để kịp thời có sự điều chỉnh các quy định cho phù hợp.

Một chính quyền biết lắng nghe ý kiến từ nhân dân để điều chỉnh linh hoạt và phù hợp hơn đó là chính quyền vì dân và của nhân dân.

Việt Nguyễn

http://www.bantindanchu.com/2021/08/ha-noi-chinh-quyen-vi-dan-la-chinh.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“MUỐN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, PHẢI CÓ CON NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CÓ TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”

Này thì “đả đảo”

Quy định mới về những điều đảng viên không được làm: Chống suy thoái từ sớm, từ xa